Developed by JoomVision.com

Trang thông tin điện tử xã Tam Đại - huyện Phú Ninh - tỉnh Quang Nam Trang thông tin điện tử xã Tam Đại - huyện Phú Ninh - tỉnh Quang Nam

Trang thông tin điện tử xã Tam Đại - huyện Phú Ninh - tỉnh Quang Nam Trang thông tin điện tử xã Tam Đại - huyện Phú Ninh - tỉnh Quang Nam

Nhớ cà rem

Chúng tôi chẳng biết tên ông là gì nên cứ gọi là "ông cà rem" một cách thân thương gắn với cái thùng xốp buộc trên phóc ba ga xe đạp mà ngày nào ông cũng chở qua xóm nhỏ.
Khoảng mười giờ sáng trở lên, khi nghe tiếng chuông leng keng kêu ngoài ngõ vắng là tụi trẻ con trong xóm đứa nào cũng rục rịch. Chẳng biết cà rem có ma lực gì mà cuốn hút chúng tôi đến vậy. Một tí đường ngọt bờ môi để đánh lừa vị giác, một tí đá lành lạnh thôi đủ mê hoặc một đám con nít. Thời đó cà rem được bán khá rẻ, một ngàn đồng được những năm que. Những ánh mắt khát khao, thèm thuồng của đám trẻ miền quê nghèo như dán chặt vào cái thùng xốp kỳ dịu. Ngoài việc mua bằng tiền lẻ thì chúng tôi còn đổi cà rem bằng phế liệu. Những buổi chăn bò đứa nào cũng tranh thủ nhặt nhạnh đủ thứ từ dép nhựa đứt đến sắt vụn, đôi khi còn leo lên ngọn núi trước nhà để tìm vỏ đạn sót lại của cuộc chiến tranh. Cứ ba vỏ đạn đổi được một que. Có buổi may mắn thì tìm được nhiều, có buổi chẳng được món gì. Tôi vẫn nhớ như in cái cảnh mẹ thằng Tú cầm con roi mây nhịp nhịp, lăm lăm chực đánh bởi thằng này dám "to gan" lấy dao cắt đứt đôi dép mẹ hắn mới mang được vài bữa để đổi cà rem.
Những giấc ngủ trưa của tôi chẳng bao giờ tròn giấc. Hễ nằm xuống là tiếng rao cà rem đây cứ chập chờn trước mắt. Thế là tôi tự nhủ: tối ngủ cũng được mà. Cái thằng Tú là cực kỳ dạn dĩ, cứ mỗi lần ông cà rem dừng lại là hắn lấy tay rung cái chuông đồng và kêu "cà rem đây, cà rem đây" một cách rất chuyên nghiệp khiến đứa nào cũng ngưỡng mộ. Ngày đó, chúng tôi khâm phục ông cà rem ghê lắm. Đã có vài đứa ước lớn lên sẽ làm nghề bán cà rem dạo mà bỏ qua cái nghề giáo viên cao quý của mẹ thằng Tú đang được cả làng mến mộ. Thằng này cũng vậy, nó cũng có ước mơ đó nên quyết tâm học thật giỏi môn toán để sau này đi bán cà rem. Ước mơ và hành động chẳng ăn nhập gì với nhau cả. Có lẽ hắn muốn học giỏi toán để đếm tiền? Những que cà rem tròn tròn, dài dài, ngọt và mát lạnh được ông cà rem chở từ phố thị về có một sức hút ghê gớm đối với bọn trẻ. Đứa nào cũng tin rằng ở đó có nhà máy làm cà rem rất nhanh và ngon. Phục lăn ra đất.

carem
Ngày ấy trẻ con ở thôn quê dại dột lắm chứ không như bây giờ. Mẹ thằng Tú đi dạy trường làng, hắn ở nhà mua ba que, ăn chỉ hai que còn một que để dành cho mẹ. Trưa, mẹ về, hắn chìa hai hàm răng sún và mái tóc râu ngô khoe con trai ngoan để dành cà rem cho mẹ. Sờ vào túi áo treo trên tường, thằng này tá hỏa khi thấy ươn ướt và còn mỗi que tre. Thế là hắn lăn ra khóc bù lu bù loa cả buổi trưa hè mà mẹ hắn không tài nào dỗ được. Mỗi lần nhắc lại chuyện đó hắn chỉ cười khì vào bảo ngu kinh. Hi hi. Bây giờ chẳng còn ai bán cà rem dạo như ngày xưa nữa. (Ông cà rem ngày ấy có lẽ đã già lắm rồi). Phố xá sầm uất, hàng quán mọc lên như nấm sau mưa, nào là kem sầu riêng, dâu, vani...ngon ngọt hơn và dĩ nhiên là thời thượng hơn so với những que cà rem đá thời thơ ấu.
Thế nhưng trong miền nhớ xa xăm đó, tôi vẫn muốn được đi trên con tàu thời gian và ngược dòng về với thế giới tuổi thơ nơi có ông cà rem già với chòm râu bạc và tiếng chuông leng keng để một lần nữa gọi thật to "cà rem ơi" giữa trưa chang chang nắng.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hình ảnh ngẫu nhiên từ thư viện ảnh

You are here: Home Văn hoá Văn nghệ Nhớ cà rem
Green Blue Orange Back to Top